Skip to main content

Đái tháo đường và thai kì

·9 mins

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết trong thai kỳ do một số thay đổi trong quá trình mang thai hoặc cũng có thể do bạn đã bị đái tháo đường từ trước.

BIẾN CHỨNG: Đái tháo đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt có thể gây nên một số biến chứng cho cả mẹ và thai.

Đối với mẹ: có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, sản giật, do thai to nên làm tăng nguy cơ mổ lấy thai cũng như các sang chấn khi sanh như rách phức tạp tầng sinh môn, băng huyết sau sanh. Nếu bị đái tháo đường thai kỳ thì mẹ có nguy cơ bị đái tháo đường thực sự sau này (nếu mẹ chưa bị).

Đối với thai: nếu đường huyết tăng cao trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể gây dị tật thai. Thai có thể rất to 4000gr – 5000gr nhưng em bé không khỏe, có thể chết lưu trong bụng mẹ, sinh ra có nguy cơ hạ đường huyết, hạ canxi huyết, tăng bilirubin huyết, ngạt do chậm trưởng thành phổi. Em bé sinh ra từ mẹ bị đái tháo đường thai kỳ sau này cũng có nguy cơ bị đái tháo đường thực sự do di truyền.

Figure 1: enter image description here

TẦM SOÁT ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ #

Thường sử dụng test 75 gr đường để đánh giá đường huyết đói cũng như mức độ dung nạp đường của thai phụ.

  • Thời điểm: Tất cả thai phụ ở tuổi thai 24-28 tuần, hoặc tùy theo chỉ định của Bác sĩ.

  • Chuẩn bị: Trước ngày xét nghiệm, thai phụ cần nhịn đói qua đêm ít nhất 8 tiếng (không ăn uống gì sau 10 giờ đêm, trừ nước lọc). Thai phụ nên đi sớm để được làm xét nghiệm đầu giờ sáng 7– 8 giờ.

  • Cách làm: Thai phụ được lấy máu 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 giờ:

    • Lần 1: lúc đói. Sau đó thai phụ uống 75 gr đường pha sẵn trong 200ml nước, uống trong 5 phút.
    • Lần 2: sau khi uống nước đường 01 giờ.
    • Lần 3: sau khi uống nước đường 02 giờ.

Chú ý: · Trong quá trình xét nghiệm, thai phụ không được ăn uống gì thêm (trừ nước lọc). Kết quả sẽ không chính xác nếu thai phụ uống không hết nước đường hoặc nôn ói hoặc không lấy máu đúng giờ. Nếu bị nôn ói hãy báo cho nhân viên y tế biết để được làm lại vào ngày khác. Trong trường hợp vừa làm xét nghiệm vừa khám hoặc siêu âm, thai phụ nên ưu tiên lấy máu cho đúng giờ trước rồi khám hoặc siêu âm sau.

QUẢN LÝ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ #

Hầu hết đái tháo đường thai kỳ có thể điều trị thông qua việc điều chỉnh chế độ ăn và tập thể dục. Nếu các phương pháp này không thành công thì có thể dùng thêm insulin.

1. Chế độ ăn: #

Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quản lý đái tháo đường. Phân bố các chất dinh dưỡng như sau: carrbohydrate: 50-55%, đạm: 20-25%, béo 20-25%.

  • Carbohydrate: Đường tăng sau khi ăn là do các thức ăn có chứa carbohydrate như gạo, mỳ, ngũ cốc, trái cây, nước ngọt, sữa…Tuy làm tăng đường huyết nhưng carbohydrate rất quan trọng cho cơ thể, là nguồn cung cấp năng lượng chính cho mẹ và thai. Do đó bạn không nên ăn kiêng quá mức mà bạn nên điều chỉnh cách ăn để vẫn đủ dinh dưỡng cho mẹ và thai mà không làm tăng cao đường huyết.

    Chia nhỏ lượng carbohydrate giữa các bữa ăn. Thay vì chỉ ăn 3 bữa chính (sáng, trưa, tối) thì bạn nên chia nhỏ cữ ăn, thêm các bữa ăn phụ như xế trưa, xế chiều, xế tối. Việc này sẽ làm giảm lượng carbohydrate mỗi bữa ăn và do đó giúp bạn vẫn cung cấp đủ dinh dưỡng nhưng đường huyết không tăng cao sau ăn.

    Lượng carbohydrate trong bữa ăn thường được quy về PHẦN với

    1 phần = 15gr carbohydrate.

Lựa chọn loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp: Glycaemic index (GI): đây là chỉ số đánh giá xem lượng carbohydrate trong một loại thức ăn có thể tác động đến đường huyết như thế nào.

+ Thực phẩm có GI cao: được hấp thu nhanh chóng, làm tăng nhanh đường huyết, nên hạn chế ăn.
+ Thực phẩm có GI trung bình: có mức tăng đường huyết trung bình.
+ Thực phẩm có GI thấp: được hấp thu chậm, làm đường huyết tăng chậm, nên ăn thường xuyên.
  • Protein: Nên sử dụng các loại đạm từ cá, trứng, sữa, chế phẩm từ sữa, đậu hũ, thịt nạc đã lấy sạch mỡ và da… Hạn chế các loại thịt mỡ, da động vật, phủ tạng, các loại thịt chế biến sẵn như pate, thịt hộp, xúc xích…

  • Chất béo: Nên chọn chất béo chưa bão hòa như mỡ cá, dầu đậu nành, dầu oliu, dầu mè… Hạn chế chất béo chưa bão hòa như: mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ, nước cốt dừa.

  • Rau: Nên ăn nhiều rau do rau chứa nhiều chất xơ, vitamin, giúp đường huyết ít tăng cao sau khi ăn. Nên chọn các loại rau có màu xanh đậm.

  • Thức uống: Sau bữa ăn nên uống các loại thức uống không cung cấp năng lượng hay năng lượng thấp như: nước lọc, trà không đường, soda không đường… Nên tránh các thức uống có chứa đường như nước ngọt, nước tăng lực, trà ngọt.

  • Nên ăn trái cây nguyên xơ và hạn chế dùng nước trái cây do đường trong nước trái cây dễ hấp thu và làm đường huyết tăng nhanh chóng.

  • Sữa: sữa cung cấp năng lượng nên có thể tính là một bữa phụ. Nên chọn các sản phẩm sữa không đường, ít hoặc không béo, sữa dành riêng cho người ĐTĐ (như sữa Diecerna của Vinamilk, sữa Diabetcare của Nutifood…). Các loại sữa dành cho phụ nữ mang thai đều có hàm lượng carbohydrate # 20-30g/200ml sữa pha chuẩn. Do đó các mẹ nên hạn chế uống hoặc uống mỗi lần một lượng nhỏ (khoảng nửa ly).

Cách chế biến thức ăn: Các loại thực phẩm khi sơ chế nên cắt lớn, hạn chế bằm nhuyễn dễ làm tăng chỉ số đường huyết. Khi nấu cũng nên luộc, hấp, chưng, kho, hạn chế hầm nhừ, nướng ở nhiệt độ cao.

Đọc nhãn thành phần thực phẩm: Các mẹ bầu nên tập thói quen xem lượng carbohydrate trên bao bì các thực phẩm đóng gói sẵn.

Ví dụ trên hình: hộp sữa này chữa 110ml sữa, trong đó thành phần carbohydrate là 11,3 g. Nên nhớ lượng carbohydrate cho 1 bữa chính là 2-3 phần (30-45gr) và 1 bữa phụ là 1-2 phần (15-30gr) với 1 phần = 15g carbohydrate. Phương pháp đĩa thức ăn: đây là một phương pháp đơn giản, hiệu quả giúp bạn có thể dễ dàng lựa chọn cho mình một khẩu phần ăn không làm đường huyết tăng cao mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Để bắt đầu, bạn chọn cho mình một đĩa thức ăn lớn, đường kính khoảng 20cm. Đĩa thức ăn này dùng cho một bữa ăn chính trong ngày của bạn. Chia đĩa thức ăn thành 4 phần bằng nhau, sau đó phân bổ thức ăn như sau:

  • 1/2 đĩa: rau củ và trái cây tráng miệng (chọn loại GI thấp). Lưu ý trái cây chỉ nên # ½ rau củ
  • 1/4 đĩa: thực phẩm chứa carbohydrate: cơm, xôi, mì, bún, nui, miến, bánh canh, hủ tiếu, bánh mì…
  • 1/4 đĩa: thực phẩm chứa đạm như: thịt, cá, trứng.

Để kết thúc bữa ăn, có thể uống thêm nước chứa năng lượng thấp như: trà, cà phê hay nước lọc, soda không đường.

Bữa phụ: Bạn có thể ăn một phần trái cây như 1 trái chuối nhỏ, 1 trái quýt, nửa quả táo, vài trái nho… hoặc 1 ly sữa dành cho người đái tháo đường.

Ví dụ một bữa ăn cho thai phụ quý 2 (nguồn: trung tâm dinh dưỡng TP HCM)

  • Sáng: phở thịt bò : 1 tô ( 140gr bánh phở + 50 gr thịt bò)
  • Giữa sáng: sữa diabetcare: 220 ml
  • Trưa: cơm: 1,5 chén, cá điêu hồng kho: 160g, canh cải xanh nấu thịt (cải xanh 100g + thịt heo nạc 30g), bắp cải luộc: 1 chén
  • Giữa trưa: bơ: 1 trái 180 g
  • Chiều: Cơm 1,5 chén, đậu hũ dồn thịt ( đậu hũ 2 miếng + thịt heo nạc 100g), canh bầu nấu tôm (bầu 100g + tôm đồng 30g), đậu bắp luộc: 200g
  • Tối: sữa diabetcare: 200ml

2. Tập thể dục: #

Tập thể dục nhẹ nhàng là có lợi trong thai kỳ. Ngoài tác dụng ổn định đường huyết thì tập thể dục còn giúp ổn định cân nặng, giảm căng thẳng, tăng cường sức dẻo dai, tăng cường tuần hoàn, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, giảm táo bón.

Bạn có thể tham gia một số loại hình như bơi lội, tập yoga, đi bộ…mỗi ngày 30 phút. Tuy nhiên bạn không nên tập quá sức và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập. Bất cứ bài tập nào cũng không được làm bạn đau. Phương pháp đơn giản nhất là bạn nên đi bộ 10-15 phút sau mỗi bữa ăn chính.

3. Theo dõi đường huyết. #

Cách tốt nhất để theo dõi đường huyết là bạn nên có một máy thử đường huyết tại nhà và lập một bảng theo dõi chế độ ăn và đường huyết.

Thông thường cần kiểm tra đường huyết đói (đường huyết buổi sáng sau khi ngủ dậy chưa ăn gì), đường huyết sau khi ăn 2h. Bảng theo dõi này sẽ giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn để đạt được mục tiêu:

  • Đường huyết đói <95mg/dl (5,3 mmol/l)
  • Đường huyết sau ăn 2h < 120 mg/dl (6,7 mmol/l)

Thời gian đầu bạn cần thử 3-4 lần/ngày. Sau đó khi đã đạt được mục tiêu bạn có thể giảm dần xuống 2-3 lần/ngày –> 1 lần/ngày –> vài ngày /lần sau những cữ ăn bạn cảm thấy lo lắng. Nếu sau khi điều chỉnh chế độ ăn hợp lý mà bạn vẫn không đạt được mục tiêu thì bạn nên tham khảo ý kiến của BS.

4. Sau khi sanh #

Nếu bạn không bị đái tháo đường thực sự từ trước thì đường huyết thường sẽ về mức bình thường sau khi sanh. Tuy nhiên bạn nên được làm test 75 gr đường lúc 6-12 tuần hậu sản và mỗi 3 năm sau đó để tầm soát đái tháo đường thực sự. Nếu âm tính thì ở lần mang thai tiếp theo bạn vẫn nên tầm soát đái tháo đường thai kỳ ở lần khám thai đầu tiên.

Nguồn:

1/ Trung tâm dinh dưỡng TP HCM

2/ Healthy eating for gestational diabetes - Diabetes

3/ Healthy Eating for Gestational Diabetes - WOMEN AND NEWBORN HEALTH SERVICE