Skip to main content

Đếm cử động thai (thai máy)

·4 mins

CỬ ĐỘNG THAI LÀ GÌ? #

Cử động thai là những cử động của thai trong bụng mẹ như đạp, xoay trở, cuộn mình. Mặc dù thai cử động từ rất sớm, khoảng tuần thứ 7-8 nhưng mẹ thường cảm nhận được cử động thai vào khoảng tuần 15-25 của thai kỳ. Phụ nữ mang con rạ thường nhận biết sớm hơn phụ nữ mang con so do đã có kinh nghiệm phân biệt được cử động thai với hoạt động co bóp dạ dày ruột. Phụ nữ gầy cũng thường cảm nhận được sớm hơn do thành bụng mỏng.

ĐẾM CỬ ĐỘNG THAI ĐỂ LÀM GÌ? #

Đếm cử động thai là một phương pháp khá đơn giản để mẹ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của thai. Thông thường mẹ nên tập thói quen đếm cử động thai từ TUẦN THỨ 28 của thai kỳ. Khi đếm cử động thai mẹ nên nằm hoặc ngồi nghỉ yên tĩnh, thư giãn để đếm được chính xác hơn. Hiện nay có nhiều phác đồ hướng dẫn đếm cử động thai, mẹ có thể chọn cho mình một phác đồ phù hợp:

  • BV Từ Dũ và BV Hùng Vương: đếm cử động thai 1h sau ăn x 3 lần/ ngày,

tối thiểu là 1 lần. Nếu thai cử động trên 4 cái/1 giờ là bình thường. Nếu dưới 4 cái, mẹ đếm thêm 1 giờ, nếu vẫn không đủ 4 cái / 1 giờ thì mẹ nên đi khám BS.

  • Hội sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG): đếm cử động thai vào một giờ nhất định

trong ngày. Bình thường thai máy trên 10 cái trong vòng 2 giờ. Nếu không được 10 cái –> khám BS

Khi đi khám, BS sẽ cho thai phụ siêu âm và đo tim thai – cơn gò (đo Nonstress test) để đánh giá lại sức khỏe thai nhi.

PHÂN BIỆT THAI MÁY VÀ CƠN GÒ? #

Cơn gò có tính chất lan tỏa, thường bắt đầu từ vùng bụng dưới sườn phải lan hết cả bụng làm bụng cứng lên. Trong khi đó thai máy thường có tính tự phát và ở một vị trí nhất định, không làm bụng cứng lên. Vào những tháng cuối của thai kỳ sẽ có những cơn gò chuyển dạ giả (cơn gò Braxton Hicks), giúp tập luyện tử cung chuẩn bị sinh nở, những cơn gò này ít khi gây đau và không dẫn đến chuyển dạ. Tuy nhiên nếu mẹ thấy có trên 4 - 6 cơn gò trong 1 giờ, kèm đau, ra nhớt hồng, ra nước, huyết âm đạo thì nên khám lại vì có thể đó là cơn gò chuyển dạ thật.

THAI CỬ ĐỘNG NHIỀU CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? #

Có một số bé sẽ cử động nhiều hơn những bé khác, nôm na là “nghịch ngợm” hơn. Thông thường đây không phải là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm thai mà chỉ cho thấy em bé của bạn đang hoạt động tốt. Bạn có thể để ý là thai thường cử động nhiều sau ăn, sau uống nước lạnh và khi bạn nghỉ ngơi, đặc biệt về đêm. Cũng có thể do ban ngày mẹ bận rộn công việc nên không để ý, về đêm khi mẹ nghỉ ngơi thư giãn sẽ thấy thai cử động nhiều hơn ban ngày. Nếu thai cử động quá nhiều làm mẹ khó ngủ thì mẹ có thể ngồi dậy, lắc lư nhẹ nhàng cơ thể để “trấn an” em bé và thai có thể giảm cử động sau đó. Mẹ ăn ngọt và uống café cũng có thể làm thai bị kích thích, do đó cố gắng hạn chế nếu thai cử động quá nhiều. Mặc dù thai cử động nhiều thường không đáng lo ngại nhưng nếu đột ngột thai cử động quá nhiều, mạnh, nhất là sau một thời gian cử động yếu, ít thì mẹ nên khám BS. Trực giác làm mẹ rất quan trọng, bất cứ khi nào cảm thấy lo lắng vì thai cử động không giống như bình thường, mẹ nên khám BS để được đánh giá một cách chính xác nhất!

NGUỒN: ACOG, Babycenter, Americanpregnancy.