Skip to main content

Đau đẻ và các phương pháp giảm đau

·14 mins

ĐAU ĐẺ VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP GIẢM ĐAU

BS Phan Diễm Đoan Ngọc

Figure 1: enter image description here

Khi gần đến ngày khai hoa nở nhụy, bên cạnh niềm háo hức chào đón một thiên thần bé nhỏ thì hẳn không ít bạn cũng sẽ rất lo lắng về một nỗi ám ảnh mang tên “đau đẻ”. Chuyển dạ hay nói ví von “vượt cạn” là một quá trình mà tử cung của bạn sẽ co thắt để đẩy dần dần em bé xuống khung chậu và khi đủ thấp thì kết hợp với sức rặn của bạn, em bé sẽ chui ra ngoài. Mỗi lần tử cung co thắt như vậy là mỗi lần bạn sẽ cảm nhận cơn đau tăng dần từ nhẹ đến vừa vừa và cuối cùng lúc gần sinh là đau dữ dội! Thật khó để có thể mô tả cơn đau đẻ vì nó mơ hồ và cảm nhận của mỗi người sẽ rất khác nhau. Có bạn sẽ vượt cạn một cách thật nhẹ nhàng nhưng cũng có nhiều bạn phải trải qua những cơn đau được mô tả kiểu như “kinh khủng”, “không gì bằng” (nhất là những bạn sinh con lần đầu)! Tuy nhiên đừng quá hoảng hốt bạn nhé! Có rất nhiều cách đơn giản, không cần dùng thuốc có thể giúp bạn “vượt cạn” một cách nhẹ nhàng nhất! Chỉ cần bạn chịu khó tìm hiểu, bình tĩnh và tin tưởng vào bản thân mình. Y học hiện nay cũng rất phát triển và chuyện “đẻ phải đau” không còn là điều hiển nhiên nữa! Bài viết này nhằm mục đích giúp những bạn chưa sinh lần nào hình dung được những gì mình sẽ trải qua khi “vượt cạn” và cũng hữu ích cho những bạn đã từng sinh để giúp bạn biết được các phương pháp giảm đau khi đẻ. Nào mình cùng tìm hiểu nhé!

  • Việc đầu tiên mà bạn cần nắm để chuẩn bị tâm lý đó là các giai đoạn chuyển dạ. Thật ra trước khi sinh vài ngày đến vài tuần, một số mẹ bầu đã có thể cảm nhận được một số dấu hiệu báo chuyển dạ sớm như:

  • Thấy bụng “sụt” xuống: có nghĩa là em bé đã bắt đầu nằm ổn định, đầu áp vào khung chậu mẹ chuẩn bị sinh

  • Ra nhớt hồng âm đạo: thực chất đây là chất nhầy cổ tử cung. Khi bắt đầu chuyển dạ, cổ tử cung mở ra, lớp chất nhầy này sẽ bị bong và trôi ra ngoài. Mẹ lưu ý là lớp nhầy này chỉ có màu hồng thôi hay ít nâu sậm thôi nhé. Nếu ra máu đỏ tươi mẹ nên đi khám ngay tại bệnh viện gần nhất nhé

  • Cơn đau do gò tử cung. Những tháng cuối thai kỳ sẽ xuất hiện những cơn đau do tử cung gò gọi là cơn gò “chuyển dạ giả”. Những cơn gò này có đặc điểm không đều, hiếm khi nào gây đau dữ dội. Đây có thể được xem như giai đoạn “tập dợt” của tử cung trước khi tham chiến thực sự. Tuy nhiên nếu cơn gò trở nên đều đặn, lặp đi lặp lại và tăng dần về cường độ và tần số thì có thể đây là dấu hiệu chuyển dạ thật sự rồi đấy!

  • Một số dấu hiệu khác như đau lưng, tiêu chảy.

  • Khi vào chuyển dạ thật sự, mẹ sẽ trải qua 3 giai đoạn chia thành giai đoạn 1 - 2 - 3.

  • Giai đoạn 1 là giai đoạn cổ tử cung mở dần nhờ cơn gò tử cung. Giai đoạn này được chia ra thành giai đoạn tiềm thời và giai đoạn hoạt động.

  • Giai đoạn tiềm thời: trong giai đoạn cổ tử cung mở dần với đường kính lỗ mở từ 0 đến 4cm. Cơn gò còn thưa và nhẹ, tần suất 5- 30 phút/ cơn, kéo dài 30-45 s, gò đều đặn, tăng dần về cường độ và tần số, đau tăng dần. Đối với người con so thì giai đoạn này có thể khá dài trên 12h. Đối với người con rạ thì chỉ khoảng 2-10h. Tại một số bệnh viện, ở giai đoạn này bạn sẽ nằm ở phòng chờ sinh.

  • Giai đoạn hoạt động: giai đoạn này được đánh dấu bởi cổ tử cung đã mở trên 4cm. Các cơn gò trở nên mạnh mẽ hơn và gây đau nhiều hơn. Tần suất cơn gò 3-5 phút/ cơn, kéo dài 60-90s. Giai đoạn này kéo dài khoảng 1-5h. Nếu trước đó đang nằm ở phòng chờ sinh thì bạn sẽ được đưa vào phòng sinh.

  • Giai đoạn 2 là giai đoạn mẹ rặn sinh em bé. Dưới tác dụng của cơn gò tử cung và sức rặn của mẹ, em bé sẽ đi qua khung chậu, tầng sinh môn của mẹ và sổ ra ngoài.

  • Giai đoạn 3 là giai đoạn bánh nhau sổ ra ngoài. Việc may vá vùng kín cũng sẽ được thực hiện sau giai đoạn này.

  • Viết ra thì có vẻ dễ nhưng thật ra là một quá trình đầy cam go và thử thách. Hãy bình tĩnh và cùng tìm hiểu những cách giúp bạn giảm đau nhé!

  • Đầu tiên là mặt tư tưởng. Bạn cần được chuẩn bị tâm lý rằng mình sẽ phải trải qua các cơn đau dữ dội mà nguyên nhân là do tử cung gò để thúc đẩy em bé ra ngoài. Đó chính là động lực của cuộc sinh! Khi vào chuyển dạ mà cơn đau quá thưa và nhẹ sẽ làm cuộc chuyển dạ kéo dài và trong nhiều tình huống gây ảnh hưởng lên mẹ và bé. Chính vì vậy một số trường hợp bác sĩ phải can thiệp bằng cách cho thuốc làm tăng cơn gò lên để mẹ mau đẻ. Nói điều này để mẹ hiểu và chuẩn bị tâm lý để đón chờ cơn gò tử cung chứ không phải “trách móc” nó. Nó đang làm đúng nhiệm vụ của mình thôi mà mẹ. Việc của mẹ là cố gắng tự động viên mình. Một cách hay khi mẹ quá đau là tự nhủ thầm một số câu để khích lệ tinh thần như “mình làm được” “mẹ sắp gặp được con rồi”, “đau mới đẻ”! Cố gắng hít thở sâu đều đặn khi đau để tăng cung cấp dưỡng khí cho mẹ và bé. Những việc như la hét, lăn lộn không giúp giảm đau mà chỉ làm cho mẹ mất sức chiến đấu và không hít thở đúng làm em bé bị thiếu oxy mà thôi. Tránh căng thẳng và quá lo lắng, điều này sẽ dẫn đến tiết một số nội tiết làm tăng tình trạng căng cơ và làm cho bạn đau nhiều hơn. Bạn có thể mở nhạc, xem phim hài hay làm những gì mà bình thường bạn rất thích thú để tạm quên đi cơn đau.

  • Một số cách như thường xuyên đi lại, mát xa vùng lưng, chườm ấm sẽ làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Đừng chỉ nằm hoài, nếu có thể đi lại thì bạn cứ di chuyển nhẹ nhàng trong phòng. Thay đổi tư thế miễn sao bạn thấy dễ chịu là được. Bạn có thể ngồi xổm, ngồi dựa lưng trên ghế, đứng dựa vào chồng, vịn vào ghế. Bạn thậm chí có chống hai tay hai chân xuống giường như một con mèo. Tư thế này có tên hẳn hoi nhé “all four” - “bốn chân” là một trong những tư thế giúp bạn giảm áp lực lên vùng lưng, giảm cảm giác đau khi sinh đấy nhé! Nếu có một trái bóng hơi thì càng hay! Hãy ôm nó, ngồi lên hay dựa nào nó! Độ mềm mại, êm ái, đàn hồi cùng tính nhún nhảy của bóng hơi sẽ giúp bạn giảm đau không ngờ đấy! Dùng vòi nước ấm xịt lên vùng lưng cũng là một cách hay để giảm đau. Nếu có người thân như mẹ, chồng ở bên, hãy nhờ họ giúp đỡ. Nên nhờ người thân kiểm tra giùm nhiệt độ vì khi đau bạn có thể không cảm nhận đúng độ nóng dễ dẫn đến nguy cơ bỏng.

  • Tử cung gò gây đau sẽ theo cơn. Giữa các cơn này bạn sẽ không cảm thấy đau, xem như là thời gian nghỉ giữa hiệp. Bạn hãy tranh thủ thư giãn, hít thở đều đặn và nếu có thể thì ăn nhẹ thứ gì đó để lấy lại sức chuẩn bị chiến đấu tiếp. Nên uống nhiều nước và thường xuyên đi tiểu mỗi 2 giờ để tránh bọng đái của bạn bị chèn ép quá mức sẽ dẫn đến nguy cơ bí tiểu sau sinh.

  • Sau khi đã áp dụng tất cả những biện pháp trên mà cơn đau vẫn vượt quá khả năng chịu đựng của bạn thì bạn hãy báo với Bác sĩ của mình. Y học hiện nay cũng có rất nhiều phương pháp để giảm cảm giác đau đẻ. Một trong số những cách phổ biến và hiệu quả nhất đó chính là phương pháp gây tê ngoài màng cứng, hay nói nôm na là “giảm đau sản khoa” hay “đẻ không đau”.

Ở phương pháp này, Bác sĩ sẽ dùng một cây kim chích vào sau lưng của bạn ngay đường giữa khoảng vùng thắt lưng. Cây kim này sẽ đi vào khoang ngoài màng cứng (nói nôm na là khoang bao ngoài tủy sống, nơi có các dây thần kinh chạy xuyên qua). Sau đó họ sẽ bơm thuốc tê để làm phong bế các dây thần kinh đi qua vùng này chi phối cho vùng bụng và chân của bạn. Do đó bạn sẽ mất một phần cảm giác đau đẻ, nhưng cũng giảm luôn cử động của chân. Bạn vẫn tỉnh táo, vẫn cử động được nhưng không thể bước đi an toàn. Bạn vẫn có thể rặn sanh.

Khi nào thì bạn có thể làm gây tê ngoài màng cứng? Bất cứ khi nào bạn cảm thấy không thể chịu đựng nổi cơn đau, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn. Thông thường khi vào chuyển dạ giai đoạn hoạt động, các cơn đau trở nên dồn dập, dữ dội hơn thì cũng là lúc bạn có thể được giảm đau sản khoa. Còn nếu chỉ mới ở giai đoạn tiềm thời mà cơn đau đã vượt quá khả năng chịu đựng của bạn thì vẫn có thể giảm đau được. Tuy nhiên quyết định cuối cùng là ở Bác sĩ. Nếu bạn có nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu, bệnh lý vùng cột sống, thai đang suy … thì đây không phải là phương pháp thích hợp cho bạn.

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp tuyệt vời để giảm cảm giác đau đẻ cho bạn. Nhiều bạn sẽ cảm thấy thật “vi diệu” khi đang từ đau đớn quằn quại chuyển qua cảm giác nhẹ nhàng và thư thái như không. Bạn có thể tranh thủ nghỉ ngơi, thậm chí là ngủ khi đang chuyển dạ và để tử cung làm nốt nhiệm vụ còn lại. Khi đến giờ “G” thì bạn hoàn toàn vẫn có thể rặn đẻ mặc dù sức rặn sẽ yếu hơn nhưng lúc này bạn cũng sẽ bình tĩnh và tập trung hơn để rặn. Đến khi em bé ra đời đến giai đoạn sổ nhau và may vết rách vùng “cửa mình” thì bạn vẫn tận hưởng được cảm giác giảm đau của thuốc tê. Hoặc nếu như cần thiết bạn phải mổ lấy thai thì phương pháp này hoàn toàn có thể phát huy tác dụng mà bạn không cần phải gây mê ngủ hay phải chích thêm một mũi thuốc sau lưng nữa. Tuy nhiên có một số bất lợi mà bạn cần phải biết :

  • Bạn phải giữa yên tư thế trong vòng 5-15 phút khi thực hiện thủ thuật. Bạn phải chờ 5-20 phút để thuốc có tác dụng. Thuốc sẽ làm mất một phần cảm nhận ở chân do vậy, bạn có thể không đứng hay đi dù bạn vẫn có thể cử động chân.

  • Cảm giác mắc tiểu và khả năng đi tiểu của bạn cũng có thể giảm. Có thể bạn cần phải được thông tiểu, tức là đưa một ống nhỏ vào lỗ tiểu của bạn để thoát nước tiểu ra ngoài.

  • Do mẹ giảm cảm giác đau đẻ, giảm cảm giác hối thúc phải rặn nên phương pháp này có khuynh hướng làm kéo dài giai đoạn rặn sanh và tăng nhẹ tỷ lệ giúp sanh bằng dụng cụ như giác hút hay kềm. Để giảm hiện tượng này, BS sẽ giảm liều thuốc giảm đau để bạn có nhiều cảm giác hơn và rặn tốt hơn, tất nhiên cảm nhận cơn đau sẽ nhiều hơn.

  • Một số trường hợp, mặc dù đã gây tê ngoài màng cứng nhưng bạn vẫn có thể cảm thấy cơn đau chỉ giảm rất ít hoặc chỉ giảm đau một bên.

  • Thuốc dùng trong tê ngoài màng cứng có thể làm giảm huyết áp của bạn tạm thời, làm giảm nhịp tim thai. Hiện tượng này thường tự phục hồi hay bằng cách truyền dịch nhanh mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên bạn và thai.

  • Một số tác dụng phụ khác ít gặp như: ngứa, nôn ói, sốt, khó đi tiểu. Nhiễm trùng hay tổn thương thần kinh nơi chích rất hiếm gặp. Sau sinh khoảng 1% bạn bị đau đầu do rò rỉ dịch não tủy.

  • Còn một điều mà mình muốn nhắc đến đó chính là VAI TRÒ CỦA NGƯỜI THÂN HỖ TRỢ bên cạnh bạn. Người ta thường nói “đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình!”. Thật ra không đến nỗi “một mình” vì khi chuyển dạ luôn luôn có nhân viên y tế bên cạnh nhưng mình vẫn mong bất kỳ bà mẹ nào cũng đều có thể có người thân bên cạnh khi đẻ. Mặc dù người đó có thể không am hiểu về sinh đẻ nhưng chỉ riêng sự có mặt của người đó thôi cũng đủ làm bạn yên tâm hơn rất nhiều. Mình biết một số bệnh viện có thể cho người nhà vào cùng bạn trong lúc sinh và cũng có một số nơi không cung cấp dịch vụ này. Hãy tìm hiểu trước về quy định của nơi mà bạn dự định sinh để khỏi bỡ ngỡ bạn nhé! Và nếu bệnh viện có quy định là một người được ở cùng bạn lúc sinh thì hãy thống nhất luôn đó là ai. Có thể là chồng, có thể là mẹ hay chị của bạn! Ai cũng được, miễn sao bạn thấy tin tưởng và an tâm khi có người đó kế bên! Và nếu đã quyết định được ai sẽ ở cùng bạn thì bạn và người đó cũng nên bàn bạc trước một số việc có thể giúp bạn trong khi chuyện dạ bạn nhé! Sau đây là một số việc nhắn gởi đến chồng hay mẹ hay chị của bạn khi vào phòng sinh:

  • Hãy bình tĩnh, nếu có gì lo lắng hãy trao đổi với bác sĩ. Chứng kiến một cuộc sinh không phải là chuyện thường ngày. Đừng quá hoảng hốt, hãy để nhân viên y tế làm công việc của mình!

  • Chuẩn bị thức ăn nhẹ cho cô ấy, nhắc cô ấy uống nước và thường xuyên đi tiểu mỗi 2 giờ.

  • Tạo một môi trường thư giãn, kín đáo nhất có thể, giảm ánh sáng, bật nhạc nhẹ nhàng, bật nến thơm nếu có.

  • Khuyến khích cô ấy nghỉ ngơi giữa mỗi cơn gò, cố gắng giúp cô ấy xao lãng khỏi cơn đau như mở nhạc, mở phim hài.

  • Dìu cô ấy đi lại quanh phòng, thường xuyên thay đổi tư thế.

  • Giúp cô ấy mát xa, chườm ấm và kiểm tra nhiệt độ để không bị bỏng.

  • Thường xuyên nói những câu động viên, khích lệ như: “em làm được mà”, “mình sắp được gặp con rồi”, “cố lên em”

Điều cuối cùng mà mình muốn nói đó là ai cũng có bản năng làm mẹ! Đó là sức mạnh to lớn giúp bạn có thể vượt qua mọi đau đớn khổ sở để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho thiên thần nhỏ của bạn. Có con đó là một hành trình kỳ diệu. Mang thai và sinh nở chỉ mới là bước đầu của hành trình kỳ diệu đó! Mặc dù đau nhưng không gì có thể sánh bằng niềm vui vỡ òa khi ẵm một mầm sống trên tay! Hãy tin tưởng vào bản thân mình – bạn sẽ làm được!

Mến chúc bạn “vượt cạn” thành công và có những khởi đầu thật tốt đẹp bạn nhé!

Chú thích: hình copy trên mạng. Thấy vui nên up nhưng không khuyến khích. Lý do là mình thì vừa đau vừa xấu, còn chúng nó thì đẹp rạng ngời! Tới lượt đi cho thấy!