Bạn cần chuẩn bị gì trước khi mang thai
## BẠN CẦN KHÁM GÌ TRƯỚC KHI MANG THAI?
Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trong khi mang thai là điều tất nhiên nhưng chưa đủ. Để có được những em bé hoàn hảo, các bà mẹ cần có cơ thể khoẻ mạnh nhất để chuẩn bị mang thai. Do vậy, ngày càng nhiều phụ nữ tìm đến tư vấn và khám trước khi mang thai. Vậy khám và tư vấn trước khi mang thai gồm những gì, các bà mẹ tương lai cần chuẩn bị gì trước khi có thai?
SAU BAO LÂU THÌ CÓ THAI TRỞ LẠI #
Theo nghiên cứu của Conde-Agudelo, 2006 cho thấy những phụ nữ có thai lại < 6 tháng kể từ khi sanh bé trước thì thai kỳ lần này sẽ tăng nguy cơ sanh non và sanh bé nhẹ cân. Đối với bà mẹ lần trước sanh mổ, lần này có thai sớm quá (<18 tháng, tính từ lần mổ trước đến khi thai lần này trưởng thành) sẽ làm tăng nguy cơ nứt vết mổ trên tử cung. Do vậy, sau sanh mổ lần trước khoảng 10 tháng, bạn để có thai lại thì khi thai lần này đủ trưởng thành thì thời gian tính từ lần mổ trước đã > 18 tháng (bạn có thể đọc thêm bài “LẦN TRƯỚC BẠN SANH MỔ, LẦN NÀY CÓ SANH THƯỜNG ĐƯỢC KHÔNG?” đã đăng trên page này lần trước) Theo nghiên cứu của Tsui 2010, thời gian lý tưởng để có thai trở lại là 18-24 tháng
CÂN NẶNG KHI BẮT ĐẦU MANG THAI #
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), phụ nữ có BMI trước khi mang thai < 18.5 kg/m2 (lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (m)) sẽ làm tăng nguy cơ sanh non và trẻ nhẹ cân. Những phụ nữ thừa cân có BMI > 25 kg/m2 làm tăng nguy cơ sanh non. Do vậy, những phụ nữ có BMI < 18.5 cần tìm cách tăng cân và những phụ nữ có BMI > 25 cần giảm cân trước có thai. Tuy nhiên, việc thay đổi cân nặng không phải là vấn đề dễ dàng. Nếu bạn thừa cân hay thiếu cân mà có thai thì phải tăng cân trong lúc mang thai như thế nào? BMI<18.5, thai kỳ cần tăng 12.5-18kg BMI 18.5-24.9, cần tăng 11.5-16kg BMI 25-29.9, cần tăng 7-11.5kg BMI > 30, thai kỳ cần tăng 5-9 kg
NGỪNG UỐNG RƯỢU VÀ HÍT KHÓI THUỐC LÁ, CAFÉ #
Hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc lá trong thai kỳ có liên quan đến kết cục thai kỳ xấu bao gồm sẩy thai, sanh non, trẻ nhẹ cân. Bạn cần bỏ thuốc lá và tránh những nơi có khói thuốc lá trước và trong khi mang thai Uống rượu trong thai kỳ liên quan đến thai chậm tăng trưởng, khiếm khuyết thần kinh. Với những bà mẹ uống nhiều rượu trong thai kỳ, em bé sanh ra sẽ có fetal alcohol syndrome. Hội chứng này bao gồm: các biến đổi ở mặt như mắt nhỏ, sụp mi, mũi ngắn, thấp, cổ bẹt, cằm nhỏ,…, các tổn thương thần kinh như chậm phát triển thần kinh, tăng động, tổn thương hệ thống phát triển ngôn ngữ, trí nhớ, động kinh,…, nhẹ cân, xương sọ nhỏ, rối loạn thính giác. Bất cứ ly rượu nào bạn uống đều làm ảnh hưởng xấu đến em bé của bạn Café trong thai kỳ thì sao? Các nghiên cứu trên bà mẹ có uống café trong thai kỳ cho kết quả không chắc chắn. Tuy nhiên, khi nghiên cứu trên động vật, caffein có thể gây ngắn chi, chẻ vòm hầu, khiếm khuyết ống thần kinh. Do vậy, mặc dù chưa có bằng chứng trên người nhưng khuyến cáo thai phụ 70kg không nên uống quá 1,5-2 cốc café mỗi ngày
VAI TRÒ CỦA ACID FOLIC VÀ CÁC VITAMIN #
Thiếu acid folic có liên quan đến dị tật ống thần kinh. Vì ống thần kinh đóng sớm vào ngày 18 đến ngày 26 sau thụ tinh nên acid folic nên được dùng trước khi thụ tinh từ 1-3 tháng. Đối với những phụ nữ không có tiền căn sanh con có dị tật ống thần kinh cần bổ sung 0,4mg acid folic/ ngày. Đối với phụ nữ có tiền căn sanh con dị tật ống thần kinh cần bổ sung 4-5mg acid folic/ ngày Bổ sung các multivitamin giúp giảm nguy cơ cho bé các bệnh tim mạch, ngắn chi, chẻ vòm hầu và bất thường hệ niệu Một số vitamin nếu dùng quá nhiều có thể có hại, như vitamin A có thể gây dị tật khi dùng > 10.000 UI/ ngày
TẦM SOÁT CÁC BỆNH LÝ Ở MẸ, TIỀN CĂN MANG THAI LẦN TRƯỚC CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG LÊN SỨC KHOẺ CỦA MẸ VÀ BÉ KHI MANG THAI #
Bệnh lý răng miệng: có liên quan đến sanh non, trẻ nhẹ cân Đái tháo đường Tim mạch Bướu giáp Suyễn Động kinh, đang dùng thuốc Bệnh hệ thống như lupus Các bệnh lý về máu: thiếu máu như thalasemia, rối loạn đông máu Nếu bạn có nuôi mèo hay tiếp xúc với mèo, BS sẽ kiểm tra bạn có nhiễm Toxoplasma gondii không, và khuyên bạn cách để không nhiễm từ mèo. Bạn có thể đọc thêm bài “NGUY CƠ DỊ TẬT CHO THAI NHI KHI NHIỄM TOXOPLASMA GONDII” được viết ở page này Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với các em bé, bạn nên được tầm soát có nhiễm Cytomegalovirus hay không Kiểm tra xem bạn có nhiễm HIV không, nếu bạn nhiễm, BS sẽ cho bạn dùng thuốc trong thai kỳ để hạn chế tình trạng lây virus qua cho bé Bạn cũng cần kiểm tra các bệnh lý lây qua đường tình dục như: lậu, giang mai, chlamydia Khai thác các thông tin bệnh lý ở thai kỳ trước để có thể tiên lượng và điều trị dự phòng cho thai kỳ lần này Một khi có các bệnh lý ở trên BS sẽ tư vấn cho bạn các nguy cơ cho mẹ và con khi mang thai và điều chỉnh các rối loạn gây ra do các bệnh lý đó nhằm giảm tối đa ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và con
#TIÊM NGỪA #
Đa phần phụ nữ có miễn dịch với sởi, quai bị, thuỷ đậu nhờ quá trình tiêm chủng từ nhỏ nên hiện nay đa phần quan tâm tới hai bênh lý Rubella và viêm gan siêu vi B Cần được tiêm ngừa Rubella nếu bạn chưa có miễn dịch. Sau tiêm ngừa bạn cần ngừa thai 1 tháng. Khi bạn đến khám, BS sẽ kiểm tra tình trạng miễn dịch của bạn đối với bệnh này bằng cách thử máu. Nếu chưa có miễn dịch, tôi thường khuyên bạn tiêm ngừa rubella khi vừa có kinh (để đảm bảo lúc tiêm không có thai) rồi ngừa thai an toàn trong tháng đó, đến khi có kinh lại, bạn có thể bỏ ngừa thai để có bầu Tiêm ngừa viêm gan siêu vi B, nếu bạn chưa có kháng thể. Mất 6 tháng để hoàn thành 3 mũi tiêm ngừa viêm gan B, nếu bạn chưa tiêm đủ mà có thai, vẫn có thể tiêm khi đang mang thai
KHÁM PHỤ KHOA #
Nhằm tầm soát xem bạn có bất thường ở đường sinh dục không? Viêm âm đạo: hầu như người phụ nữ nào cũng có thể bị viêm nhiễm âm đạo vài lần trong đời. BS sẽ tìm tác nhân gây bệnh và điều trị theo đúng tác nhân. Một vài tác nhân viêm âm đạo, cổ tử cung có thể gây viêm màng ối, ối vỡ sớm khi mang thai Các bất thường ở cổ tử cung như polyp cổ tử cung, polyp có thể chảy máu, khi bạn mang thai có kèm polyp cổ tử cung sẽ rất khó cho bạn và có thể nguy hiểm cho thai nếu có chảy máu âm đạo. Polyp này sẽ được lấy ra, tất nhiên lấy ra khi không có thai sẽ an toàn hơn. Bạn sẽ được làm tầm soát ung thư cổ tử cung nếu bạn trên 21 tuối. Nếu có bất thường nghiêm trọng ở tế bào cổ tử cung, có thể bạn phải hoãn kế hoạch có thai để điều trị dứt điểm U xơ tử cung: đôi khi ảnh hưởng lên sự thụ thai, có thể gây kết cục xấu cho thai kỳ U nang buồng trứng: vài loại cần phải mổ để xác định tính chất lành ác, và tránh biến chứng của u khi mang thai. Tất nhiên mổ khi có thai sẽ nguy hiểm hơn cho mẹ và thai Phát hiện các dị dạng bẩm sinh đường sinh dục, các dị dạng này có thể làm bạn khó có con, gây sanh non, sẩy thai,…
KẾT LUẬN #
Việc khám trước mang thai rất quan trọng, nhằm tìm ra các nguy cơ tìm ẩn cho mẹ và bé khi mang thai và sanh nở. Điều trị các bất thường đó nhằm mục tiêu cuối cùng để có được “mẹ tròn con vuông”.