Skip to main content

Các phương pháp ngừa thai. Bài 2: vòng tránh thai (dụng cụ tử cung)

·6 mins

CÁC PHƯƠNG PHÁP NGỪA THAI Bài 2: VÒNG TRÁNH THAI (DỤNG CỤ TỬ CUNG)

Bs Phan Diễm Đoan Ngọc

Tiếp nối với bài đầu tiên về phương pháp cấy que ngừa thai, hôm nay mình sẽ viết về phương pháp đặt vòng tránh thai. Cấy que đối với nhiều người nghe có vẻ lạ lẫm nhưng khi nói về vòng tránh thai chắc hẳn ai cũng biết. Đây là phương pháp đã được áp dụng từ rất lâu cho nhiều cặp vợ chồng. Tuy nhiên, bên cạnh vòng đồng TCu truyền thống, ngày nay người ta còn áp dụng một loại vòng mới là vòng Mirena có chứa thêm thuốc nội tiết mang lại hiệu quả cao hơn và còn có tác dụng điều trị bệnh. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

CƠ CHẾ TRÁNH THAI #

Gọi là vòng nhưng thực ra đây là những dụng cụ hình chữ T được đưa vào lòng tử cung. Chúng có cơ chế chung là một vật lạ đối với cơ thể. Khi đưa vào buồng tử cung nó tạo nên phản ứng viêm làm cho tinh trùng không thể xuất hiện ở buồng tử cung, đồng thời nội mạc tử cung sẽ không thuận lợi cho trứng thụ tinh làm tổ. Riêng đối với vòng Mirena có chứa nội tiết là một dạng progestin làm mỏng nội mạc tử cung, thay đổi chất nhày cổ tử cung, từ đó ảnh hưởng tới sự di động và sống sót của tinh trùng và khả năng làm tổ của phôi. Do đó vòng Mirena có hiệu quả tránh thai cao hơn vòng TCu và ngoài hiệu quả ngừa thai nó còn có hiệu quả điều trị một số bệnh như cường kinh, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, tăng sinh nội mạc tử cung…

ƯU ĐIỂM CỦA ĐẶT VÒNG #

• Rẻ tiền, đặt một lần được nhiều năm. + Vòng TCu: thời gian khuyến cáo là 10 năm.

  • Vòng Mirena: thời gian khuyến cáo là 5 năm.

• Hiệu quả ngừa thai cao, tỷ lệ có thai ngoài ý muốn khi đang đặt vòng rất thấp:

  • Vòng Tcu: 0,5-0,8% trong năm đầu tiên
  • Vòng Mirena: 0,1-0,2% trong năm đầu tiên

• Khả năng có thai lại cao sau khi lấy vòng ra. • Không có tác dụng toàn thân như các phương pháp sử dụng nội tiết toàn thân (thuốc uống ngừa thai, cấy que) • Vòng Mirena ngoài tác dụng ngừa thai còn có tác dụng điều trị một số bệnh như: cường kinh, đau bụng kinh, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, tăng sinh nội mạc tử cung…

NHƯỢC ĐIỂM CỦA ĐẶT VÒNG #

• Rơi vòng: Vòng có thể bị rơi trong 2-5% trường hợp, thường xảy ra 3 tháng đầu sau đặt, ở những tử cung có u xơ. Nếu không biết vòng rơi bạn có thể bị có thai ngoài ý muốn. • Rối loạn kinh nguyệt:

  • Đối với vòng TCu: Có thể bị rong huyết ít trong vài kỳ kinh đầu. Tuy

nhiên rong huyết có thể kéo dài, ra nhiều, nếu điều trị không đáp ứng thì phải tháo vòng ra (1,4%)

  • Đối với vòng Mirena: do có chứa nội tiết làm mỏng nội mạc tử cung nên

thường lượng máu kinh và số ngày ra kinh sẽ giảm, có thể không ra kinh. Do đó vòng Mirena có tác dụng điều trị cường kinh khá hiệu quả. Tuy nhiên một số bạn có thể bị rong huyết dây dưa nhỏ giọt trong vài tháng đầu và giảm dần theo thời gian.

• Đau bụng: Ngay sau đặt có thể bị đau bụng dưới, cảm giác trằn nặng hoặc co thắt. Thường giảm khi dùng thuốc giảm đau và hết sau vài ngày. Tuy nhiên nếu đau nhiều quá không đáp ứng thuốc giảm đau thì phải lấy vòng ra (2-5%). • Ra nhiều khí hư: thường do phản ứng viêm của nội mạc tử cung. Hiện tượng này sẽ giảm dần nếu không có nhiễm khuẩn kèm theo • Nhiễm khuẩn: thường xảy ra khi đặt hoặc lấy vòng mà không đảm bảo thao tác vô khuẩn, hoặc viêm âm đạo, viêm cổ tử cung chưa được điều trị triệt để trước khi đặt. • Thủng tử cung: có thể xảy ra ngay lúc đặt do thao tác thô bạo hoặc một thời gian sau vòng từ từ xuyên qua lớp cơ tử cung và chui vào ổ bụng. Vài trường hợp phải chụp X-quang xác định vị trí vòng và mổ nội soi ổ bụng để tìm và tháo vòng. • Có thai trong khi mang vòng: có thể do một số nguyên nhân:

  • Vòng thay đổi vị trí do tử cung co bóp, vòng tuột thấp
  • Tử cung quá lớn so với vòng
  • Vòng quá hạn sử dụng.

• Không ngừa được bệnh lây qua đường tình dục: HIV, lậu, giang mai…

THỜI ĐIỂM ĐẶT VÒNG #

• Ngay sau sạch kinh: lúc này cổ tử cung hơi hé mở nên khi đặt sẽ dễ dàng và đỡ đau hơn, máu cũng sẽ ra ít hơn sau khi đặt. • Sau sinh thường trên 6 tuần hoặc sau sinh mổ trên 3 tháng • Ngay sau sẩy thai, hút thai, uống thuốc bỏ thai, nếu đảm bảo không sót nhau, sót thai, không bị viêm nhiễm

LƯU Ý SAU KHI ĐẶT VÒNG #

Ngay sau khi đặt vòng người bạn cần nằm nghỉ 5-10 phút, theo dõi xem có phản ứng gì không. Bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng và thuốc giảm đau chống co thắt nếu cần. Trong tuần đầu tiên không nên đi lại nhiều, mang vác nặng để cho vòng tránh thai từ từ được định vị ổn định trong buồng tử cung. Bình thường sau khi đặt vòng tránh thai, có cảm giác đau bụng nhẹ, ra huyết âm đạo khoảng 4-7 ngày thì hết. Nên tái khám lại mỗi tháng 1 lần trong 3 tháng đầu và mỗi 6 tháng để bác sĩ kiểm tra vòng. Nếu có các dấu hiệu sau bạn cần tái khám ngay:

• Đau bụng nhiều • Ra huyết nhiều và kéo dài • Sốt • Dịch âm đạo đục, màu vàng, xanh, hôi • Quan hệ đau • Thấy dây vòng thòng ra từ âm đạo

NHỮNG PHỤ NỮ KHÔNG NÊN ĐẶT VÒNG #

• Có thai hoặc nghi ngờ có thai • Viêm nhiễm đường sinh dục • Tiền sử bị thai ngoài tử cung • Nghi ngờ có bệnh lý ác tính đường sinh dục • Rong kinh, rong huyết chưa rõ nguyên nhân • Tử cung bị dị dạng như tử cung đôi, tử cung hai sừng • Bệnh lý van tim • Sa sinh dục • Dị ứng với chất đồng (TCu) hoặc levonorgestrel (vòng Mirena)

Đặt vòng tránh thai là một trong những phương pháp được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay. Tuy nhiên bạn cần thực hiện ở những cơ sở uy tín, đảm bảo chuyên môn để được tư vấn thật kỹ lưỡng và tránh các biến chứng trong quá trình đặt bạn nhé! Chúc bạn luôn an tâm tận hưởng cuộc sống! Ngừa thai hãy để chúng tôi lo! 😁👨‍⚕️😘