Dầu cá Omega-3
LỢI ÍCH CỦA DẦU CÁ OMEGA-3 #
Omega-3 là một nhóm các axit béo không no chuỗi dài, rất cần thiết cho sức khoẻ và sự phát triển của cơ thể Có hai loại omega-3 có ích nhất là EPA (eicosapentaenoic acid) và DHA (docosahexaenoic acid). EPA hỗ trợ tim, hệ thống miễn dịch và phản ứng viêm. DHA hỗ trợ não, mắt, và hệ thống thần kinh trung ương, đó là lý do tại sao hai chất này lại rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Omega-3 đã được chứng minh là rất cần thiết cho sự phát triển thần kinh và phát triển thị giác sớm của em bé. Omega-3 cũng có trong sữa mẹ. Các nghiên cứu đã khẳng định rằng việc bổ sung EPA và DHA vào chế độ ăn uống của phụ nữ mang thai có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển trí tuệ và nhận thức của em bé. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều omega-3 cao hơn có thể làm giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ sơ sinh. Omega-3 có tác động tích cực đến bản thân thai kỳ. Sự gia tăng lượng EPA và DHA đã được chứng minh là ngăn ngừa được tình trạng sinh non, tiền sản giật và có thể tăng cân nặng em bé khi sinh. Sự thiếu hụt omega-3 cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm của người mẹ. Điều này có thể giải thích tại sao rối loạn trầm cảm sau khi sinh có thể trở nên nặng hơn và bắt đầu sớm hơn với những lần mang thai về sau.
NHỮNG LOẠI THỰC PHẨM NÀO CHỨA DẦU CÁ OMEGA-3? #
Cơ thể không tự sản xuất ra được omega – 3 và phải hấp thu từ nguồn thức ăn bên ngoài. Các nguồn tốt nhất của EPA và DHA là cá nước lạnh như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá cơm và cá trích. Chú ý là để giữ được các chất này thì cá chế biến bằng cách luộc, hấp hoặc nướng, không chiên. Nhiều người e ngại các loại cá này có thể tích tụ chất thủy ngân và các chất độc khác ảnh hưởng lên thai nhi. Do đó sử dụng các sản phẩm Omega-3 từ dầu cá đã qua các công đoạn chưng cất phân tử là phương pháp tốt nhất để tiêu thụ EPA và DHA. Nhiều người nghĩ rằng hạt lanh (flaxseed) có chứa omega-3. Nhưng hạt lanh có chứa omega-3 ngắn hơn là ALA (alpha-linolenic acid), khác với EPA và DHA. Mặc dù đã từng có ý nghĩ rằng cơ thể con người có thể biến đổi ALA thành EPA và DHA, nghiên cứu hiện tại cho thấy sự chuyển đổi như vậy hiếm khi xảy ra và không hiệu quả.
CÁC KHUYẾN CÁO VỀ DẦU CÁ #
Khi lựa chọn dầu cá bạn nên chọn dầu cá được sản xuất bởi các nhà sản xuất lớn, có uy tín để đảm bảo chất lượng của dầu cá, không bị lẫn các tạp chất khác, nhất là thủy ngân trong cá. Một nhà sản xuất dầu cá có uy tín sẽ có thể cung cấp tài liệu về các kết quả thí nghiệm cho thấy mức độ tinh khiết của dầu cá của họ. Ngoài ra cũng có một số đặc điểm bạn có thể nhận diện được như: Mùi - Nghiên cứu cho thấy rằng dầu cá chỉ có mùi khó chịu khi dầu đã bắt đầu ôi thiu. Dầu cá chất lượng cao sẽ không mùi cá. Hương vị - Dầu cá tươi và chất lượng cao sẽ không có vị cá. Tránh dầu cá có mùi vị mạnh, nhân tạo vì có thể người sản xuất cố tình thêm vào để át mùi cá.
LIỀU DÙNG: #
Liều dùng mỗi ngày theo khuyến cáo của FAO (Food and Agriculture Organization of the United Nations) năm 2010:
- 0-6 tháng: DHA: 0.1-.018% năng lượng
- 6-24 tháng: DHA: 10-12 mg/kg cân nặng cơ thể
- 2-4 tuổi: EPA + DHA: 100-150 mg
- 4-6 tuổi: EPA + DHA: 150-200 mg
- 6-10 tuổi: EPA + DHA: 200-250 mg
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: EPA + DHA: 0.3 g/ngày (tối thiểu 0.2 g/ngày)
Khi dùng đúng liều thì dầu cá thường an toàn, tuy nhiên nó cũng có thể có một số tác dụng phụ như: hơi thở hôi, miệng có vị tanh của cá, buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu, phân lỏng, nổi ban, giảm nhẹ huyết áp…Dùng liều cao có thể tăng nguy cơ chảy máy và đột quỵ. Cần thận trọng ở những bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông, huyết áp thấp
Nguồn:
- Americanpregnancy
- Mayoclinic
- FAO