Phải làm gì khi bà bầu bị chó cắn?
BS. Trần Thị Minh Châu.
Một chị bầu người quen của mình vừa bị chó nhà hàng xóm cắn trong lúc đi đổ rác. Chị rất lo lắng vì con chó nhà bên chẳng bao giờ được đi tiêm phòng mà cứ tối tối lại được thả rông chạy khắp xóm. Điều chị lo nhất là không biết bầu có tiêm ngừa phòng bệnh dại được không và thuốc có ảnh hưởng gì đến em bé hay không. Thú thật là mình chưa bao giờ tìm hiểu về vấn đề này nên phải ngồi lục lọi lại sách vở và tìm hiểu thêm các khuyến cáo của các tổ chức y tế trên thế giới để trả lời những câu hỏi của chị. Nay mình viết bài này hy vọng sẽ giúp giải đáp một số thắc mắc của các bạn.
-
Khi bị chó cắn, bà bầu có những nguy cơ gì? Với một vết thương do chó hoặc mèo cắn, cào hay liếm thì có thể xảy ra các nguy cơ: nhiễm trùng, bị uốn ván, bị bệnh dại.
-
Bà bầu có tiêm ngừa phòng bệnh dại được không? Bệnh dại là bệnh cực kỳ nguy hiểm. Một khi đã bị bệnh dại, tỷ lệ tử vong là 100%. Trên thế giới chưa có thuốc điều trị mà chỉ có vắc xin dự phòng thôi. Theo hướng dẫn của tổ chức y tế thế giới và trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, bà bầu không có chống chỉ định tiêm ngừa phòng bệnh dại. Nghĩa là tiêm được nghen các bạn, bởi vì xin nhắc lại là nếu bị bệnh dại là chắc chắn tử vong. Hơn nữa, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy vắc xin phòng bệnh dại gây ảnh hưởng đến mẹ và em bé.
-
Loại vắc xin nào đang được sử dụng tại Việt Nam? Để yên tâm hơn, mình vừa tìm hiểu xem loại vắc xin nào đang được Việt Nam sử dụng. Lấy ví dụ ở viện Pasteur Tp.HCM (là trung tâm tiêm chủng lớn của miền Nam), vắc xin đang sử dụng là Verorab, sản xuất tại Pháp, là loại vắc xin phòng dại thế hệ mới đã được chứng minh là an toàn. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy vắc xin này ảnh hưởng đến sức khỏe bà bầu và em bé.
-
Sơ cứu ban đầu khi bị chó cắn như thế nào?
- Rửa kỹ vết thương bằng xà phòng đặc 20% hoặc nước muối sinh lý 0,9%.
- Bôi thuốc sát khuẩn như: cồn, dung dịch iot.
- Không nên băng kín vết thương.
- Cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại.
- Bác sĩ có thể sẽ kê thêm thuốc kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng vết cắn cho bạn, huyết thanh kháng độc tố uốn ván (nếu cần), huyết thanh kháng dại nếu vết thương nặng, nhiều vết cắn xuyên thấu hoặc vết thương hở bị nhiễm nước bọt của con vật).