Tuần 1 và tuần 2 thai kỳ
Bạn vẫn chưa được thụ thai đâu!
Em bé của bạn ở tuần 1 và 2 #
Chuẩn bị rụng trứng #
Chưa có em bé trong thời gian này và cũng không có phôi (ít nhất là chưa có), trứng và tinh trùng có khi còn chưa gặp nhau. Nhưng trong 2 tuần đầu tiên này, tuần lễ theo sau khi bạn sạch kinh, cơ thể bạn cần phải chuẩn bị nhiều để sự kiện quan trọng nhất trong tháng: rụng trứng. Lúc này, tử cung của bạn đã bắt đầu chuẩn bị cho trứng đến làm tổ, mặc dù bạn không thể biết chắc rằng trong tháng này trứng sẽ được thụ tinh hay không.
Tính ngày kinh chót #
Nếu như trong chu kì kinh này bạn không mang thai, thì những tuần này không thể gọi là tuần 1 và tuần 2 được. Trong thực hành lâm sàng, bác sĩ gần như không thể biết chính xác được khi nào thai kì bắt đầu (tức là khi tinh trùng và trứng gặp nhau). Trong khi bạn dễ dàng biết được ngày đầu tiên của kì kinh cuối, thì khá khó để nhận biết được khi nào thì trứng rụng. Mặt khác, tinh trùng có thể đi lòng vòng trong cơ thể bạn vài ngày trước khi nó gặp được quả trứng. Tương tự, trứng sau khi rụng có thể chờ đến 24 giờ để gặp tinh trùng (hãy yêu người đến sau :)) ). Bởi vì sự khó khăn trong xác định thời điểm thụ tinh chính xác như trên, trong thực hành, bác sĩ sẽ lấy ngày đầu tiên của kì kinh chót để làm mốc tính thời gian trong toàn thai kì. Vẫn còn chút khó hiểu ở đây chăng? Hãy cứ cho đây là thời gian 2 tuần bạn chuẩn bị để được thụ thai.
Cơ thể của bạn ở Tuần 1 và tuần 2 #
Kỳ kinh nguyệt cuối cùng của bạn #
Bạn đang trải qua kì kinh cuối của mình, niêm mạc tử cung đang rụng dần, mang theo trứng không được thụ tinh của chu kì trước. Nhưng đó không phải là tất cả những gì đang xảy ra. Một chu kỳ mới đang bắt đầu, một bước khởi đầu cho thai kỳ.
Chu kì kinh nguyệt của phụ nữ được tạo thành nhờ sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa các hormone. Tác nhân đầu tiên là FSH (follicle stimulating hormone: hormone kích thích nang trứng). Mỗi nang trứng chỉ chứa một trứng, và mỗi tháng, thường thì chỉ có 1 nang được trưởng thành và rụng. Khi các nang trưởng thành sẽ sinh ra estrogen, hormone này có 2 vai trò. Thứ nhất, nó kích thích làm dầy niêm mạc tử cung. Thứ hai, khi lượng estrogen đủ cao, nó kích thích 1 loại hormone khác gọi là LH (luteinizing hormone) được tiết ra. Sự gia tăng lượng LH sẽ làm vỡ nang trứng trưởng thành nhất trong số các nang trứng bị kích thích (thường xảy ra khoảng 24 đến 36 giờ khi lượng LH đạt đỉnh). Nang này vỡ ra sẽ làm trứng rụng và chuẩn bị cho việc thụ tinh. Và nếu lần này bạn không có thai thì cũng đừng lo lắng nhé, chỉ có 25% cơ hội có thai trong mỗi chu kì thôi (thực ra thì chơi số đề còn dễ trúng hơn).
Trong khi đó, tử cung sẽ chuẩn bị cho hợp tử đến làm tổ. Hãy cứ xem 2 tuần đầu tiên này như là một bước chuẩn bị cuối cùng để có thai. Về lí thuyết thì bạn chưa có thai đâu, nhưng cũng không còn quá sớm để chuẩn bị. Vì vậy, nếu bạn muốn bổ sung vitamin cho thai kì thì có thể bắt đầu từ giờ. Đây cũng là lúc bạn nên bỏ rượu và thuốc lá, điều chỉnh thói quen thể dục để chuẩn bị cho một sức khỏe tốt để mang thai.
Giảm nhiệt để tăng khả năng sinh sản #
Bạn muốn có em bé? Bạn nên ngưng sử dụng chăn điện, 2 người nên giữ ấm cho nhau theo cách cổ xưa (cũ nhưng luôn tốt, cho sức khỏe và cả tinh thần). Các nghiên cứu cho thấy rằng khi nhiệt độ quá cao và kéo dài - được tạo ra bằng chăn điện, miếng đệm nóng và thậm chí cả máy tính xách tay - có thể ảnh hưởng xấu đến tinh hoàn và làm chậm quá trình sản sinh tinh trùng (nhưng bạn lại muốn tinh trùng nhiều ngay bây giờ!). Có nhiều cách để tăng khả năng thụ tinh: cố gắng kiềm chế tình dục bằng miệng (xin lỗi, nhưng đó là sự thật trần trụi). Trước khi đến tiết mục chính, nước bọt có ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động của tinh trùng, trong khi chúng cần phải sống và khỏe. Tương tự, các loại dầu bôi trơn cũng có tác động y như vậy.
Các triệu chứng mang thai Tuần 1 và 2 #
Nhiệt độ cơ thể giảm, rồi đột ngột tăng #
Nhiệt độ cơ bản của cơ thể giảm xuống thấp nhất khi rụng trứng, rồi đột ngột tăng lên khoảng nửa (0.5) độ. Vì vậy, bạn nên mua 1 nhiệt kế và theo dõi mỗi ngày (vào 1 giờ cố định trong ngày). Sau vài tháng, bạn sẽ quen với cách đo nhiệt độ cơ thể của bản thân và dễ dàng biết được khi nào trứng rụng (và khi nào thì đi Đà Lạt).
Tăng tiết dịch cổ tử cung #
Nếu để dành chút ít thời gian quan tâm đến loại chất nhầy này, bạn sẽ thấy nó thay đổi từ tuần này qua tuần khác. Lúc đầu, dịch nhầy cổ tử cung có thể dày, dính và hơi đục, nhưng khi càng gần ngày rụng trứng, lượng dịch này sẽ tăng lên, loãng hơn và trong hơn (nếu dày dính quá, tinh trùng sẽ khó xâm nhập và thụ thai được)