Skip to main content

Tuần 4 thai kỳ

·7 mins

Em bé của bạn có kích thước cỡ 1 hạt anh túc

Tóm tắt #

  • Hai loại tế bào

Phôi nhỏ xinh của bạn gồm có 2 lớp là lá ngoại bì (epiblast) và lá nội bì (hypoblast). Chúng sẽ sớm phát triển thành tất cả các bộ phận và hệ thống cơ thể của bé.

  • Thấy đến 2 phôi?

Đoán xem? Nếu bạn sanh đôi, bạn sẽ thấy điều đó trên siêu âm trong tuần này.

  • Yolk sac của phôi thai

Trước khi có nhau thai, sẽ có 1 cấu trúc gọi là túi noãn hoàng (Yolk sac) Túi này tạo máu và nuôi phôi thai.

Nhau thai và phôi bắt đầu hình thành #

Trong khi bạn vẫn còn đang tự hỏi liệu mình có đang có thai hay không, thì em bé tương lai đã hoàn thành chặng đường đầu tiên của nó: từ ống dẫn trứng đến tử cung. Khi đó, phôi sẽ chui sâu vào trong niêm mạc tử cung và làm tổ ở đó - tạo nên một kết nối trong suốt 8 tháng sau (và mãi mãi về sau).

Ngay sau khi phôi dừng chân tại tử cung đó, nó sẽ bắt đầu phân chia làm 2 phần rất quan trọng. Một nửa sẽ trở thành thai sau này, còn nửa còn lại sẽ trở thành nhau thai, giúp truyền chất dinh dưỡng đến và mang chất thải đi, cho tới lúc thai được sinh ra.

Mang thai tuần thứ 4 là ở tháng bao nhiêu? #

Tuần 4 thai kỳ nằm trong tháng thứ nhất. Chỉ còn 8 tháng nữa!

Sự phát triển của phôi và nước ối #

Mặt dù có kích thước rất rất nhỏ, không dài hơn 1mm và không lớn hơn 1 hạt anh túc, nhưng phôi thai nhỏ của bạn đang rất bận rộn với nơi cư trú mới của nó. Trong khi túi nước ối (còn gọi là túi nước) hình thành xung quanh, túi noãn hoàng, sau này sẽ được đưa vào đường tiêu hóa đang phát triển của bé.

Phôi có ba lớp tế bào riêng biệt sẽ phát triển thành các bộ phận chuyên biệt của cơ thể em bé. Lớp bên trong gọi là nội bì, sẽ phát triển thành hệ tiêu hóa, gan và phổi của bé. Lớp giữa gọi là trung bì, sẽ sớm là tim, cơ quan sinh dục, xương, thận và cơ bắp của bé. Và lớp ngoài cùng gọi là ngoại bì, cuối cùng sẽ hình thành hệ thống thần kinh, tóc, da và mắt của bé.

Cơ thể của bạn ở tuần 4 #

Phôi đã được cấy vào tử cung #

Chỉ một tuần sau khi thụ tinh, việc sinh con có thể nói vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Ở tuần thứ 4 thai kỳ, cơ thể của bạn bắt đầu có những dấu hiệu chuyển đổi rất khác lạ.

Có khi bạn sẽ không thấy thích hợp với đám đông nữa. Trong khi một số phụ nữ có những triệu chứng mang thai sớm như: thay đổi tâm trạng, đầy hơi, chuột rút… lại có những người không có cảm giác gì khác lạ. Dù bạn có cảm thấy hay không cảm thấy gì, vẫn còn quá sớm để khẳng định chắc chắn bạn có mang thai hay không. Nhưng ẩn sâu bên trong bạn, đây là những gì đang diễn ra.

Trứng đã thụ tinh và tử cung sẽ gặp nhau trong tuần này, phôi nang sẽ bắt đầu gắn vào niêm mạc tử cung. Khoảng 30% trường hợp, khi phôi chìm vào trong niêm mạc tử cung sẽ có hiện tượng xuất huyết xảy ra. Chảy máu do làm tổ, thường rất ít và có màu hồng nhạt, đỏ nhạt hoặc nâu nhạt, xảy ra sớm hơn thời gian có kinh dự kiến tiếp theo của bạn (lúc này bạn vẫn chưa chắc mình có thai hay không nên thường loại xuất huyết này sẽ làm bạn lầm tưởng mình có kinh sớm hơn thường lệ). Đừng nhầm lẫn với kỳ kinh của bạn và đừng lo lắng nhiều quá về việc chảy máu - đó không phải là dấu hiệu cho thấy có gì đó không ổn. Nếu bạn thấy hơi trằn trằn bụng cũng đừng lo lắng quá nhé! Và bạn cũng sẽ thấy ngực của mình hơi căng và có vẻ như phát triển lớn hơn.

Trong vòng sáu đến 12 ngày sau khi thụ tinh, trứng bắt đầu tiết ra hCG (human chorionic gonadotropin: gonadotropin màng đệm ở người) - hormone thai kỳ này là nguyên nhân tạo nên vạch thứ 2 trong que thử thai của bạn. HCG gởi tín hiệu đến hoàng thể (là nang trứng sau khi trứng được phóng ra để thụ tinh) rằng nó cần phải duy trì ở đó và sản xuất progesterone và estrogen để nuôi dưỡng thai cho đến khi nhau thai đảm nhận chức năng đó trong vòng sáu tuần kể từ bây giờ.

Tìm ra ngày dự sanh #

Thực ra thì không cần phải có bằng cấp về tiến sĩ y khoa mới tìm ra được ngày dự sanh :). Chỉ cần vài phép toán đơn giản (dễ hơn tính tiền khi mua hàng siêu thị). Ngày dự sanh của bạn là 40 tuần sau, kể từ ngày đầu tiên của kì kinh cuối cùng. Quá dễ, phải không? Đây là phần hơi khó hiểu một chút. Nếu bạn sinh con vào ngày đó, em bé của bạn sẽ chỉ có 38 tuần trong tử cung chứ không phải 40. Bởi vì việc tính tuổi thai bắt đầu 2 tuần trước khi bạn được thụ thai (xem lại bài tuần 1 và tuần 2 thai kì để hiểu rõ hơn nhé).

Bạn chắc sẽ muốn biết ngày dự sanh của mình để sắp xếp công việc và sinh hoạt cho phù hợp. Nên nhớ, ngày dự sanh chỉ là một cách tính ước đoán thôi. Hầu hết các thai kì sẽ được sanh vào 38 đến 42 tuần, một số mẹ sanh con so có xu hướng sanh trễ hơn, chỉ có một số ít thai kì là đúng ngay bong ngày dự sanh.

Bạn có thể tìm hiểu để tính ngày dự sanh ở đây nhé, chỉ cần nhập ngày kinh chót thôi, hoặc ngày chuyển phôi (nếu bạn thụ tinh ống nghiệm), hoặc siêu âm trong 3 tháng đầu.

Triệu chứng của tuần 4 thai kì #

Chảy máu do làm tổ #

Nếu bạn thấy ra ít huyết dợt trong tuần này (thường thì nó sẽ sớm hơn kì kinh dự kiến tiếp theo một chút) cũng đừng quá hoảng hốt và lo lắng. Đây là một dấu hiệu cho thấy phôi đã làm tổ thành công vào thành tử cung. Nếu không có huyết dợt như trên? Cũng đừng lo lắng - chỉ một số ít phụ nữ có biểu hiện chảy máu do làm tổ, không có triệu chứng này cũng không có nghĩa là bạn không có thai.

Cảm giác giống như trước khi hành kinh #

Nếu mang thai lần đầu, cơ thể bạn chưa bao giờ tiếp nhận một lượng hormone lớn chảy khắp cơ thể như thế, nó sẽ gây ra những triệu chứng khác lạ, như: ủ rũ, đầy hơi hoặc chuột rút nhẹ. Nên tìm hiểu cũng như tập làm quen với các hormone thai kì từ bây giờ… bạn sẽ sống chung với chúng trong 9 tháng tới lận.

Lời khuyên cho bạn trong tuần này #

  • Có thể đến khi trễ kinh 1 tuần hoặc hơn để cơ thể bạn tiết ra đủ hormone thai kì để có thể phát hiện được trên que thử thai. Nếu bạn trễ kinh mà thử thai vẫn âm tính, hãy thử lại vào tuần sau.

  • Đừng hút thuốc, thậm chí nếu người xung quanh bạn hút thuốc, hãy yêu cầu họ dập tắt điếu thuốc đi (một lần nữa, bạn mang thai, bạn có quyền). Nghiên cứu gần đây đã phát hiện rằng hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ sảy thai, thai nhẹ cân, thai ngoài tử cung và các biến chứng khác.

  • Nên bắt đầu xếp lịch để gặp bác sĩ sản phụ khoa. Ngay sau khi bạn có kết quả trên que thử thai là dương tính là có thể đến khám và tư vấn chăm sóc thai kì được rồi đó.