Thai lưu sớm
Hồi còn là một cô sinh viên Y6, mình vẫn nhớ như in cảm giác khi hay tin một chị bạn bị thai lưu sớm. Mình ngồi thẫn thờ hết một buổi, muốn điện thoại cho chị nhưng không biết phải nói gì! Sau này khi đã là một bác sĩ sản phụ khoa, gặp các không ít các tình huống như vậy, nhìn đôi mắt đỏ hoe của bệnh nhân mình cũng không khỏi đau lòng. Nhiều khi cũng chỉ biết an ủi “con cái là do duyên số”! Hôm nay mình sẽ cố gắng viết thật đầy đủ, trả lời những câu hỏi thường gặp, hy vọng chia sẽ được phần nào nỗi đau của những ai từng lỡ mất một lần làm cha, làm mẹ!
THAI LƯU SỚM CÓ THƯỜNG GẶP KHÔNG? #
Thai lưu sớm là tình trạng thai ngừng phát triển khi thai dưới 13 tuần tuổi. Thuật ngữ sẩy thai sớm thường được dùng với ý nghĩa thai đã bị tống xuất ra ngoài
Thai lưu sớm khá thường gặp, chiếm 10% tổng số những thai kỳ được nhận biết. Tỷ lệ này còn cao hơn ở những thai không được nhận biết, tức là thai lưu quá sớm mẹ không nhận biết được và tự sẩy ra ngoài biểu hiện bằng một đợt ra huyết lầm tưởng là máu kinh. 80% những trường hợp thai lưu xảy ra sớm trong 3 tháng đầu thai kỳ
NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY THAI LƯU SỚM? #
Khoảng 60% những trường hợp thai lưu sớm là do bất thường nhiễm sắc thể trong quá trình thụ thai. Tình trạng này xảy ra ngẫu nhiên, không phải do bệnh lý nào gây ra, cũng không phải do di truyền từ cha hay mẹ. Tuy nhiên mẹ càng lớn tuổi thì nguy cơ càng cao. Thai lưu sớm chiếm khoảng 1/3 những thai kỳ khi bạn trên 40 tuổi.
Những nguyên nhân khác ít gặp hơn là:
- Di truyền: nhiễm sắc thể của cha hoặc mẹ có một đoạn bị chuyển sang
một nhiễm sắc thể khác. Hiện tượng này gọi là chuyển đoạn nhiễm sắc thể (chromosomes translocation). Cha hoặc mẹ thường không có bất kỳ khiếm khuyết nào nhưng tinh trùng hoặc trứng có thể có bất thường nhiễm sắc thể và dẫn đến thai cũng bị bất thường nhiễm sắc thể.
- Bất thường cấu trúc tử cung: tử cung có vách ngăn, nhân xơ tử cung,
polyp lòng tử cung, dính lòng tử cung…
- Mẹ mắc bệnh nội khoa:
- Hội chứng kháng Phospholipid (Antiphospholipid syndrome): hệ miễn dịch
của cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại chính tế bào của cơ thể có vai trò trong việc đông máu, làm tăng nguy cơ tạo các cục máu đông trong mạch máu, dẫn đến sẩy thai
- Đái tháo đường
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Rối loạn chức năng tuyến giáp
Một số mẹ lo lắng, cho rằng có thể mình đã làm việc nhiều, tập thể dục, nghén quá nhiều dẫn đến sẩy thai. Tuy nhiên bạn nên biết rằng điều này là không đúng. Ngày cả các các chấn động lúc mang thai như té ngã cũng hiếm khi nào làm sẩy thai.
Đa phần bạn sẽ có thai lại bình thường, chỉ khoảng 1% các mẹ là bị sẩy thai lặp lại. Chính vì vậy việc tìm nguyên nhân thường chỉ đặt ra khi bạn bị sẩy thai liên tiếp trên 2 lần. Lúc này bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa để được khám toàn diện, có thể làm một số xét nghiệm máu cũng như siêu âm. Tuy nhiên bạn cũng nên biết rằng khoảng 50-75% những trường hợp sẩy thai liên tiếp không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Nếu tìm được một nguyên nhân nào đó, bác sĩ có thể đề nghị bạn một phương pháp điều trị thích hợp, ví dụ như:
- Bất thường cấu trúc tử cung: phẫu thuật tách dính lòng tử cung, cắt
đốt polyp lòng tử cung, bóc nhân xơ tử cung…
- Cha hoặc mẹ bị chuyển đoạn nhiễm sắc thể: bạn cần được tham vấn về di
truyền. Có thể bạn cần làm thụ tinh ống nghiệm và làm chẩn đoán tiền làm tổ để chọn lọc những phôi không bệnh, sau đó mới chuyển vào lòng tử cung làm tổ
- Hội chứng kháng phospholipid: điều trị bằng thuốc chống đông như
heparin, aspirin.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT? #
Những dấu hiệu thường gặp của sấy thai sớm là chảy máu và đau bụng dưới. Những dấu hiệu này cũng khá thường gặp ở những thai kỳ bình thường khi thai làm tổ trong lòng tử cung. Đôi khi đó cũng là dấu hiệu của thai ngoài tử cung, tức là thai không làm tổ trong lòng tử cung mà làm tổ ở bên ngoài, đa phần là ở vòi trứng. Nếu có những dấu hiệu này bạn nên đi khám bác sĩ sớm. Khi đi khám, có thể bác sĩ sẽ cho bạn siêu âm để kiểm tra tình trạng thai. Bạn cũng có thể phải làm thêm một xét nghiệm máu là bhCG, đây là chất được tiết ra từ nhau thai để chỉ điểm tình trạng thai. Nếu bhCG thấp hay giảm đi có thể gợi ý thai bạn đang bị sẩy. Siêu âm và bhCG có thể cần được lặp lại nhiều lần để xác định chẩn đoán
Các dấu hiệu trên siêu âm xác định thai lưu sớm: (ACOG 2015)
- Chiều dài đầu mông lớn hơn hoặc bằng 7mm nhưng không có tim thai
- Đường kính túi thai lớn hơn hoặc bằng 25mm nhưng không có phôi thai
- Túi thai chưa có yolk sac, siêu âm lại 2 tuần sau hoặc hơn vẫn không
thấy phôi có tim thai
- Túi thai đã có yolk sac, siêu âm lại 11 ngày sau hoặc hơn vẫn không
thấy phôi có tim thai
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ? #
Khi bị thai lưu sớm, bạn có thể chọn một trong 3 phương pháp:
- Chờ đợi cho thai tự sẩy
- Dùng thuốc
- Hút nạo lòng tử cung
Nếu bạn không có dấu hiệu nhiễm trùng thì bạn có thể chờ cho thai tự sẩy ra ngoài, thường mất trong vòng 2 tuần hoặc hơn. Nếu không muốn chờ đợi thì bạn có thể dùng thuốc tống xuất mô ra ngoài. Trong thời gian này bạn có thể ra máu nhiều, mức độ thường nhiều hơn kỳ kinh thông thường và kéo dài lâu hơn. Ngoài ra còn có thể kèm đau bụng, tiêu chảy, nôn ói. Nếu đau nhiều bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau cho bạn. Ưu điểm là phương pháp này khá nhẹ nhàng, không xâm lấn cơ thể, chi phí rẻ. Tuy nhiên bạn có thể mất vài ngày thai mới tống xuất ra ngoài. Nếu chảy máu nhiều hay còn sót mô sau sẩy thai thì bạn cũng cần phải nạo lòng tử cung sau đó. Theo ý kiến cá nhân thì phương pháp này có thể sẽ thích hợp với các bạn trẻ, chưa có con, sợ các thủ thuật xâm lấn và muốn nhẹ nhàng về mặt tâm lý.
Hút nạo lòng tử cung là lựa chọn nếu bạn bị nhiễm trùng, chảy máu nhiều hay bị các bệnh lý nội khoa. Nếu thai nhỏ có thể hút thai. Bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ, sau đó dùng một cái ống hút nhỏ gắn với máy hút để đưa vào lòng tử cung hút mô thai. Thai lớn hơn có thể cần nong nạo lòng tử cung. Cổ tử cung sẽ được nong rộng ra và một dụng cụ được đưa vào để nạo mô trong lòng tử cung. Bạn có thể sẽ được gây mê hoặc gây tê tại chỗ. Ưu điểm là của hút nạo lòng tử cung là tỷ lệ thành công lên đến 99%. Nên phương pháp này có thể thích hợp với các mẹ đã có đủ con, muốn giải quyết một lần triệt để, không muốn ra huyết dây dưa. Nhiễm trùng và chảy máu nhiều đều có thể xảy ra sau khi dùng thuốc hay hút nạo. Tuy nhiên tỷ lệ các biến chứng này khá thấp 0,5-2%. Dính lòng tử cung sau hút thai cũng hiếm khi nào xảy ra. Không có phương pháp nào là tối ưu, bạn nên tham vấn bác sĩ kỹ lưỡng để chọn phương pháp thích hợp cho mình
TÔI CẦN CHÚ Ý ĐIỀU GÌ SAU KHI THAI ĐÃ SẨY #
Bạn không được cho bất cứ thứ gì vào trong âm đạo trong vòng 1-2 tuần sau sẩy thai để phòng ngừa nhiễm trùng như tampon hay quan hệ. Bạn cần đi khám ngay khi có các dấu hiệu như : chảy máu nhiều (ướt trên 2 băng vệ sinh dày/giờ x 2 giờ), sốt, lạnh run, đau nhiều.
SAU BAO LÂU TÔI CÓ THỂ MANG THAI LẠI? #
Bạn có thể rụng trứng và mang thai ngay sau thai sẩy 2 tuần. Nếu bạn không muốn mang thai thì nên sử dụng biện pháp ngừa thai. Ban có thể dùng bất cứ phương pháp nào và có thể đặt vòng tránh thai ngay sau khi sẩy. Nếu bạn muốn có thai thì bạn không cần chờ đợi vì bất kỳ lý do y khoa nào hết. Một số bác sĩ có thể khuyên bạn nên chờ sau 2-3 tháng, điều này có thể giúp bạn có thời gian ổn định tâm lý và chờ sau khi có kinh lại tự nhiên thì việc tính tuổi thai cho thai kỳ sau này sẽ dễ dàng hơn dựa vào kinh cuối.
CÓ PHƯƠNG PHÁP NÀO PHÒNG NGỪA THAI LƯU SỚM? #
Tin buồn là hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào chứng minh được hiệu quả phòng ngừa thai lưu sớm, kể cả nghỉ ngơi, bổ sung vitamin, thuốc giảm co thắt. Một số thuốc bổ sung nội tiết thường được kê toa cho những trường hợp động thai cũng còn nhiều tranh cãi và thiếu các bằng chứng thuyết phục. Một điều mà các mẹ cần tránh khi bị động thai là nằm nghỉ tại giường quá nhiều vì hiệu quả thì không rõ ràng mà có thể gây nên những tác dụng ngược không tốt như stress, tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.
Nguồn:
The American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG), Practice Bulletin No 150: Early Pregnancy Loss, 2015
The American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG), FAQ100: Repeated Miscarriages, 2016